Để mua được thang máy vừa ý, “đáng đồng tiền bát gạo” là không hề đơn giản. Vì từ khâu bán hàng đến các dịch vụ sau bán hàng đều có những “tiểu xảo” mà khách hàng nếu không nhận biết được sẽ “lãnh đủ”.
“Bán xong hàng, tắt điện thoại”
Đó chỉ là câu nói vui về một tình trạng không vui mà không ít khách hàng gặp phải. Đó là các đơn vị bán hàng tìm mọi cách tiếp thị, bán xong hàng thì không thực hiện cam kết về các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa,…
Thứ nhất, người bán hàng đưa ra một mức giá rất hấp dẫn, thấp hơn hẳn so với các đơn vị khác. Với giá thấp như vậy, sẽ có 2 tình huống xảy ra. Đó là chất lượng sản phẩm thấp, chắp vá bằng linh kiện không rõ nguồn gốc. Hoặc họ sẵn sàng bán thang mà ko tính chi phí cho các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, thiết bị dự phòng, chi phí phát triển, rủi ro, đào tạo,… Trong đó, giá lắp đặt được cho là một cấu thành hết sức quan trọng. Thợ lắp đặt phải có đủ kiến thức, được đào tạo bài bản, được tạo điều kiện để tích lũy kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, được trả công xứng đáng với năng lực,… Những chi phí như thế không hề rẻ và phải được tính vào giá thang. Nhưng đối với những doanh nghiệp “nhắm mắt bán thang bằng mọi giá” đã tạo ra những lớp thợ lắp thang “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Nhiều khi giá lắp đặt được kêu ca là còn “bèo hơn thợ xây”. Với chi phí như thế thì người thợ không làm bậy mới là lạ!
Nhiều thang máy được báo giá “rất cạnh tranh”
Có không ít “công ty thang máy” chỉ có… giám đốc và kế toán. Họ chỉ tập trung vào mảng kinh doanh còn tất cả các dịch vụ sau bán hàng như lắp đặt, bảo trì, sửa chữa, bảo hành thì… “Outsource”! Do vậy, việc không kiểm soát được nhân lực, chất lượng công việc và không thể chủ động đáp ứng được các nhu cầu đột xuất của khách hàng. Nhiều khách hàng đã than phiền rằng họ cảm thấy như bị “bỏ rơi” sau khi mua thang của các đơn vị này.
Thứ hai, quảng cáo không đúng bản chất của sản phẩm, nhập nhằng thương hiệu. “Tiểu xảo” này được áp dụng chủ yếu đối với các loại thang lắp ráp trong nước. Chẳng hạn sản phẩm được quảng cáo rất kêu: Thang máy châu Âu, nhập khẩu châu Âu… Trong khi cả chiếc thang chỉ có 1, 2 linh kiện, thiết bị như máy kéo, bộ điều khiển cabin… là nhập khẩu, còn lại là hàng Trung Quốc hoặc không rõ nguồn gốc… Bên cạnh đó, còn có hành vi đánh tráo nguồn gốc, xuất xứ. Chẳng hạn thang của các thương hiệu mạnh sản xuất tại Trung Quốc nhưng nơi bán lại giấu biệt nguồn gốc, chỉ giới thiệu là thang nhập khẩu châu Âu… Hoặc trong trường hợp nếu khách hàng nhận biết được sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc thì họ sẽ giải thích: Hầu như các thương hiệu lớn trong đó có thương hiệu thang máy đều có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc…
Thứ ba, tư vấn bán hàng không khách quan. Nhân viên bán hàng chỉ tập trung quảng bá những sản phẩm mà doanh nghiệp mình có thế mạnh phân phối, đồng thời “dìm hàng” những loại thang khác khiến khách hàng không có được cái nhìn khách quan, để đưa ra được sự lựa chọn chính xác, phù hợp với mình.
Đủ ngón “tiểu xảo’
Ngoài các “ngón nghề” trong bán hàng đã khiến người dùng chóng mặt, các “tiểu xảo” còn được sử dụng phổ biến sau bán hàng.
Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Sơn – Công ty Incosaf, một thời gian sau sử dụng, các chi tiết cơ khí, công tắc trong mạch an toàn của cửa tầng thang bị xuống cấp hoặc bị hỏng, bị chập chờn, gây ra hiện tượng cung cấp tín hiệu không chính xác về trung tâm điều khiển, hay gây ra lỗi thang. Trong trường hợp này, không ít kỹ thuật viên đã đấu tắt các công tắc an toàn để thang tạm thời hoạt động, chờ thay thế thiết bị, linh kiện.
Một số đơn vị sử dụng thang máy cũng chia sẻ rằng không phải lúc nào họ cũng sẵn sàng nguồn kinh phí sửa chữa nên vẫn yêu cầu thang phải hoạt động…Trong những trường hợp như vậy, nhân viên kỹ thuật sẽ “khắc phục tạm” bằng những ”tiểu xảo” cho thang tiếp tục chạy, giữ hợp đồng bảo trì. Hành vi này đồng nghĩa với việc đã tạo nên những nguy hiểm không thể lường trước bên trong thang máy.
Để phát hiện ra mạch an toàn cửa có bị đấu tắt hay không là mở cửa tầng bằng chìa khóa chuyên dụng. Nếu cửa tầng mở mà cabin vẫn hoạt động là mạch an toàn cửa đã bị đấu tắt. Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo là việc mở cửa tầng bằng chìa khóa là vô cùng nguy hiểm, chỉ dành cho những người có chuyên môn thực hiện.
Câu tắt tiếp điểm an toàn cửa tầng
Trường hợp hay được kỹ thuật viên áp dụng là thay thế các cụm thiết bị bằng linh kiện rẻ tiền, dễ mua. Chẳng hạn đối với một loại thiết bị phục vụ chức năng cứu hộ tự động (ARD – Automatic Rescue Device) của loại thang máy cao cấp, do giá thành cao, thời gian đặt hàng ở nước ngoài về lâu,… nên nhân viên kỹ thuật đã dùng loại lưu điện rẻ tiền 1 pha cùng contactor cho cụm thiết bị ARD. Giá của một bộ ARD 3 pha đúng tiêu chuẩn châu Âu từ 40 – 55 triệu đồng, trong khi bộ lưu điện 1 pha và các thiết bị đi kèm chỉ có giá từ 3 – 6 triệu, chỉ bằng 1/10 chi phí cho thiết bị tiêu chuẩn. Mặc dù về lý thuyết, dù dùng lưu điện 1 pha, bộ ARD vẫn có thể hoạt động nhưng xác suất gây nguy hiểm rất cao, ngoài ra còn có thể gây hư hỏng, làm giảm tuổi thọ máy kéo và các thiết bị khác của thang máy.
Cách phát hiện ra việc thay thế thiết bị không đảm bảo tiêu chuẩn có thể bằng quan sát CO, CQ, các thông số kỹ thuật có trong hồ sơ. Hay yêu cầu thử nghiệm thực tế nhiều lần để kiểm tra xem thiết bị có hoạt động ổn định và đúng công suất hay không.
Tất cả động thái của nhân viên kỹ thuật có thể ngay lập tức gây họa nhưng cũng có nhiều trường hợp sau một thời gian chiếc thang mới dở chứng. Và như thế, chiếc thang máy đã trở thành một mối nguy hiểm tiềm tàng trong công trình mà người tiêu dùng không hề hay biết.
Hành vi này gây nguy hiểm cho người dùng
Cũng có không ít đơn vị bảo trì dùng mọi cách để giành được hợp đồng bằng quan hệ hoặc phá giá thị trường để tạo lợi thế cạnh tranh. Các đơn vị này thường thuê lao động thời vụ giá rẻ, không đủ trình độ, kiến thức, kinh nghiệm nên họ có thể mắc những lỗi kỹ thuật nghiêm trọng trong quá trình thực hiện. Bên cạnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn có thể bị lờ đi, các kỹ thuật viên dạng này có thể đưa ra các kỹ thuật phi chính quy để nhanh chóng hoàn thành các công việc được giao và vấn đề này đã gây nhức nhối, ảnh hưởng không nhỏ tới những đồng nghiệp của họ ở các đơn vị làm ăn đàng hoàng.
“Tôi từng gặp trường hợp kỹ thuật viên cố tình vô hiệu hóa cơ cấu phanh chống rơi khi phát hiện có hư hỏng nhưng chưa có linh kiện thay thế ngay lập tức, để giải quyết tình thế. Như vậy nếu cáp đứt hoặc lỗi điều khiển khiến cabin đi xuống với vận tốc mất kiểm soát có thể gây tai nạn nghiêm trọng”, ông Sơn, đại diện Incosaf băn khoăn.
Để tránh những nguy cơ rủi ro này thì người dùng phải trang bị cho mình những kiến thức cần thiết và trước hết là phải lựa chọn những đơn vị có uy tín từ quy mô, thời gian hoạt động, tầm ảnh hưởng của thương hiệu, đặc biệt là chính sách hậu mãi…
Giải pháp loại trừ các “tiểu xảo” nguy hiểm
Việc phù phép cho những chiếc thang máy tạm thời hoạt động sau sự cố thường được tiến hành bởi các kỹ thuật viên có trình độ hạn chế, thiếu đạo đức, không có tâm. Thay vì tư vấn cho khách hàng chọn linh kiện, thiết bị cần thay thế phù hợp để sửa chữa, khắc phục sự cố thì các kỹ thuật viên lại chọn phương án chế tác, chắp vá, thay thế những linh kiện rẻ tiền, dễ tìm để xử lý tình huống. Trong những trường hợp đó, người sử dụng thang ngoài việc đối mặt với nguy hiểm còn có thể bị mất nhiều tiền để khắc phục sự cố.
Vít nở rẻ tiền, kém chất lượng, phần nằm trong bê tông quá ngắn
không đủ khả năng chịu lực kéo
Thực ra, các thủ thuật của nhân viên kỹ thuật khắc phục các lỗi phát sinh để thang máy tạm thời hoạt động thường chỉ áp dụng được đối với các loại thang máy lắp ráp trong nước hoặc ở phân khúc trung bình, không tích hợp nhiều tầng giải pháp an toàn. Nhưng các loại thang châu Âu nhập khẩu vào Việt Nam lại được thiết kế nhiều tính năng an toàn chống lại các sai lầm cố ý của nhân viên kỹ thuật để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng.
Theo kỹ sư Nguyễn Đức Tiến – Giám đốc Gama Service, thang máy cao cấp châu Âu thường được nhập khẩu nguyên chiếc, theo tiêu chuẩn khắt khe CE (Conformité Européenne). Các sản phẩm này có tính đồng bộ rất cao, được tích hợp nhiều chức năng, nhiều cấp độ an toàn. Trong đó, có một số loại thang được tích hợp đầy đủ các chức năng an toàn 4 lớp (SRS, ARD, Emcall, SWS) bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người sử dụng.
Kỹ sư Tiến nhấn mạnh, các tính năng an toàn của thang máy châu Âu ngoài tính đồng bộ cao còn được liên động chặt chẽ với nhau. Tức là nếu một chức năng bị lỗi, bị đấu tắt hay lược bỏ thì ngay lập tức người dùng sẽ nhận được cảnh báo và thang sẽ dừng hoạt động.
Vì thế đối với các loại thang nhập khẩu châu Âu, gần như nhân viên kỹ thuật không thể áp dụng các “thủ thuật ma mãnh” để can thiệp mà chỉ có thể thay thế thiết bị, linh kiện chính hãng để khắc phục triệt để sự cố.
Bên cạnh đó, chọn lựa đúng nhà phân phối có uy tín, cam kết dịch vụ sau bán hàng có trách nhiệm sẽ là điều rất quan trọng để thang máy mà khách hàng sử dụng thực sự an toàn, hữu ích, mang lại nhiều giá trị.
Lựa chọn quan trọng hơn nỗ lực./.